Để tạo nên những bức tượng bằng đá đẹp có ai biết được rằng người nghệ nhân tài hoa phải đánh đổi bao nhiêu mồ hôi, công sức.
Ở nước ta hiện nay có không nhiều làng nghề điêu khắc đá. Nổi tiếng nhất về điêu khắc đá có thể kể đến các làng đá mỹ nghệ Ninh Vân, Hoa Lư, Ninh Bình, làng đá mỹ nghệ Non Nước (Đà Nẵng), Phụng Châu (Chương Mỹ – Hà Nội), Dương Nham, xã Phạm Mệnh (Kinh Môn)… Nghề điêu khắc đá, tuy mang lại cho người lao động nguồn thu nhập ổn định, song nó cũng mang lại nhiều rủi ro.
Không có nhiều người theo nghề
Chạm khắc đá từ lâu là nghề truyền thống của nước ta. Với lòng yêu nghề, bàn tay tài hoa, các nghệ nhân đã tạo nên những công trình bằng đá tinh xảo, sắc nét nổi tiếng. Trải qua bao thăng trầm, người dân ở các làng nghề vẫn giữ được nghề nhưng ngày càng có ít người theo làm, mà chủ yếu là cha truyền con nối.
Trăn trở giữ nghề truyền thống của ông cha, những năm qua bà Nguyễn Thị Lý (Công ty TNHH một thành viên Hữu Nghĩa) không khỏi buồn rầu chia sẻ. Bởi ngày nay có nhiều nguyên liệu để tạo ra các sản phẩm nên người dân ít dùng đồ bằng đá. “Có lẽ do người tiêu dùng chưa cảm nhận được vẻ đẹp của những sản phẩm làm bằng đá so với làm bằng những chất liệu khác nên sức tiêu thụ các sản phẩm gần đây giảm đáng kể”, nghề ngày càng bị thu hẹp lại. Nối theo nghiệp của gia đình, con trai bà Lý – anh Vũ Văn Hậu sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nhạc họa ở Hà Nội, đã quyết định trở về làm việc tại công ty của gia đình. Mang kiến thức được học vận dụng vào thực tế, anh Hậu đã sáng tạo thêm nhiều hình vẽ, họa tiết mới, làm phong phú những mẫu mã của làng nghề. Hiện nay, ngoài chế tác văn hoa cho các công trình văn hóa, đình chùa, lăng mộ, người làng nghề Dương Nham còn chạm khắc tạo ra các con giống, tượng đá và các loại sản phẩm khác.
Gian nan, nhiều nguy cơ rình rập
Nghề nào cũng có những khó khăn, và rủi ro, riêng nghề điêu khắc đá, người thợ phải đối mặt với nhiều bệnh tật. Bởi, hầu hết các làng nghề đá mỹ nghệ hiện nay đều rơi vào tình trạng ô nhiễm, khói bụi từ đá ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của con người.
Đời thợ đá luôn phải đối mặt với hiểm nguy vì công cụ của họ có khi chỉ là đôi tay trần cùng cây búa, cây đục, chiếc máy cưa, máy mài… hàng trăm thợ hằng ngày quần quật vật lộn với những khối đá, đổ mồ hôi công sức vào để làm cho chúng có hồn.
Đã lựa chọn theo nghề, người thợ đá hàng ngày ăn bụi, uống khói nhưng với họ điều đó có sá gì. Được nhìn trực tiếp những người thợ làm đá mới thấy rằng ai cũng hom hem, gầy gò, nhem nhuốc. Da sạm đen do lúc nào cũng bị ám bụi đá hay phơi người ngoài bãi đất trống, nắng gió. Nhiều người thợ chia sẻ, dù có sống trong môi trường bẩn lâu ngày, tuy có quen nhưng khi ngủ vẫn có những đêm mơ thấy đá cùng bệnh tật ám vào mình. Đó là chưa kể đến tai nạn luôn trực chờ và buộc mỗi người phải quen với những điều đó. Ví như đá bắn hoặc găm vào người, vào mắt; khối đá to đổ lên người khi vận chuyển hoặc trong khi đục đẽo; ngã từ trên khối đá cao vài mét xuống đất… Hỏi, bất cứ người thợ nào cũng chỉ ra công việc của họ sẽ ảnh hưởng đến mắt, tai và phổi. Cụ thể là bụi bắn vào mắt gây xước giác mạc, chảy nước mắt; tiếng ồn làm ù, thậm chí tiếc tai; mũi hít bụi vào phổi gây nên nhiều bệnh về đường hô hấp.
“Sinh nghề tử nghiệp”, những người thợ làm điêu khắc đá làm vì cuộc sống, vì đam mê và đôi khi còn vì gìn giữ nghề của cha ông nữa.
Nhìn những bức hình muôn hình vạn trạng, đủ hình đủ khối được chạm khắc tinh xảo, người ta không thể nào quên được những giọt mồ hôi và cả nước mắt của biết bao người thợ tài hoa.