Điêu khắc gỗ ở Việt Nam là một nghề dân giã mang tính chất cổ truyền lâu đời. Bên cạnh việc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, điêu khắc gỗ còn góp phần đưa những nét đẹp văn hóa Việt đến với bạn bè Quốc tế. Nghề điêu khắc có sự chuyển mình qua nhiều thời kỳ. Chúng ta cùng nhau nhìn lại nghề điêu khắc gỗ từ thời xưa so với thời nay đã có những thay đổi như thế nào.
Lịch sử hình thành và phát triển nghề điêu khắc gỗ
Điêu khắc gỗ đã được hình thành và phát triển qua rất nhiều giai đoạn khác nhau hình thành nên những tác phẩm gỗ đậm nét đặc trưng văn hóa của dân tộc. Nghề chạm khắc gỗ là nghề vừa mang tính thực tế vừa mang đầy chất nghệ thuật. Những sản phẩm gỗ tạo ra đều mang tính hữu dụng trong cuộc sống như bàn ghế, tủ kệ, sập, giường, cửa gỗ.. hay những sản phẩm có giá trị mỹ thuật như tranh gỗ, phù điêu, tượng Phật, hay những sản phẩm thuần chất nghệ thuật được kết hợp từ nhiều phong cách khác nhau. Ngoài những sản phẩm chạm khắc gỗ thuần tuý bằng đục, chạm nhiều loại sản phẩm mộc chạm khắc được kết hợp với khảm, xà cừ hay công nghệ trang sức bằng sơn mài rất đặc sắc.
Dấu tích còn lại của các đình làng và các cung điện vua chúa xưa kia được xem là minh chứng rõ ràng nhất cho sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc gỗ trong lịch sử Việt Nam. Điêu khắc gỗ ở thời kỳ nhà Lý được xem là nở rộ và có nhiều công trình lớn nhất. Điêu khắc gỗ thời này nghiêng về trang trí nội thất và có mối quan hệ mật thiết với kiến trúc thời bấy giờ. Nhiều đình chùa được chạm khắc rất tinh vi với những hoa văn họa tiết cầu kì thể hiện trên những cánh cửa, cột chống hay những con rồng phượng uốn lượn trên mái hiên… Điều đặc biệt là các tác phẩm này hoàn toàn được làm thủ công bằng bàn tay tài hoa của chính các nghệ nhân mà không hề thông qua một máy móc hỗ trợ nào.
Nghệ thuật điêu khắc gỗ Việt Nam chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Quốc về các kiểu dáng mẫu mã cũng như cách dùng và trưng bày các vật phẩm gỗ. Nhưng cùng thời gian phát triển lâu dài qua nhiều thời đại và thị hiếu tiêu dùng của người Việt, các sản phẩm điêu khắc gỗ đã tạo nên được một phong thái riêng, ẩn chứa trong đó là những phong tục văn hóa mang đậm hồn Việt hơn.
Hiễu rõ hơn về điêu khắc gỗ qua những khái niệm
Để hiểu rõ hơn về điêu khắc gỗ chúng ta hãy cùng xem qua một số khái niệm sau đây:
Điêu khắc qua khái niệm của người phương Tây
Điêu khắc là một ngành nghệ thuật của nghệ thuật tạo hình, được sáng tạo theo nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều và chịu sự chi phối của những quy luật tạo hình.
Điêu khắc qua khái niệm của người Việt nam
Từ “điêu khắc” có nguồn gốc Hán – Việt. “Điêu” là chạm khắc, nói rộng ra thì các lối chạm trổ thì gọi là điêu. Lấy dao vạch vào vật gì đó thì gọi là khắc. Như vậy điêu khắc có nghĩa là dùng dụng cụ cứng như kim loại (đục, dao…) tác động vào các chất liệu cứng như đá, gỗ, xương, ngà voi tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Như vậy khái niệm về điêu khắc ở đây cũng bắt nguồn từ cách thức tạo hình trên chất liệu.
Các nghệ nhân sẽ sử dụng các vật chuyên dụng để khắc, mài lấy đi những phần thừa theo tạo hình đã lên ý tưởng trước hoặc có thể được lắp ráp thêm một số thành phần khác. Tuy nhiên có hai trường phái lớn trong điêu khắc đó là Chạm khắc và Phù điêu.
Định nghĩa Phù điêu gỗ
Phù điêu là loại điêu khắc được thực hiện trên mặt phẳng, có sự gắn kết khăng khít với mặt phẳng đó. Mặt phẳng đóng vai trò là nền tảng cơ bản và là phông nền của hình khối bên trên. nó có khả năng kiến tạo xa gần bằng các lớp không gian và tạo nên ảo giác về không gian. Phù điêu cho phép triển khai những bố cục phức tạp như bố cục có nhiều lớp nhân vật, thậm chí thể hiện được những công trình kiến trúc và tranh phong cảnh. Phù điêu được chia thành 2 loại đó là phù điêu khoét lõm và phù điêu nổi.
Định nghĩa chạm khắc gỗ
Chạm khắc là tác động vào những hình khối phẳng gọn gàng, tinh tế nhất nhằm thể hiện tác phẩm hay nhiều ý nghĩa của tác phẩm. Chạm khắc có hai nhánh nhỏ đó là trạm khắc trên mặt phẳng như tranh khắc gỗ và trạm khắc trên các hình khối còn được gọi làm chạm khắc tượng tròn. Một số tượng chạm khắc gỗ phổ biến như tượng gỗ Quan Âm, Tượng gỗ Di Lặc, tượng gỗ Quan Công, tượng gỗ Tam Đa….
Ranh giới giữa Chạm khắc và phù điêu là không lớn và điều này dễ gây nhầm lẫn đối với những người bình thường. Bản chất của hai hình thức này đều là sử dụng những hình khối và đường nét để thể hiện chủ thể theo những tỷ lệ nhất định. Tuy nhiên điểm phân biệt lớn nhất đó là Phù điêu luôn gắn liền với một mặt phẳng và có thể được khoét lõm hoặc đắp nổi; còn chạm khắc có thể thực hiện ở trên bề mặt phẳng và cả hình khối nhưng chỉ là đục khoét đi những phẩn thừa để tạo khối mà không phải đắp nổi.
Nghề điêu khắc gỗ hiện nay
Nghề điêu khắc gỗ phát triền rộng khắp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nghề điêu khắc gỗ phát triển một cách mạnh mẽ trên toàn quốc, đặc biệt là tại các làng nghề gỗ truyền thống nổi tiếng ở Miền Bắc như: làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh), La Xuyên (Nam Định), Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội), Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), Vạn Điểm (Hà Tây) … Theo Hiệp hội gỗ và nông sản Việt Nam, hiện ngành gỗ nước ta đã xuất khẩu qua hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ với 70% vào các thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên sự ảnh hưởng của nghệ thuật điêu khắc gỗ Á Đông khá mạnh nên mặt hàng gỗ đến với thị trường các nước còn khá chậm và nhỏ giọt, chủ yếu là tiêu thụ trong nước và một số nước Châu Á có nền văn hóa tương đồng.
Mặc dù gặp không ít khó khăn tại các thị trường kén cá chọn canh của quốc tế nhưng lượng gỗ xuất khẩu vẫn có xu hướng tăng hằng năm cho thấy đây vẫn là một ngành có khả năng phát triển mạnh. Dù có sự vươn xa về khoảng cách địa lí và số mặt hàng xuất ra nhưng tổng thể ngành gỗ Việt Nam chỉ chiếm hơn 1% so với thể giới. Điều này đòi hỏi Việt Nam muốn vực dậy và phát triển các làng nghề truyền thống phải luôn không ngừng đổi mới mẫu mã, áp dụng các phương pháp tiên tiến và sự trợ giúp của máy móc để đưa ngành gỗ Việt Nam ngày càng có tầm ảnh hưởng hơn. Đặc biệt cần nhất đó là sự tư duy đổi mới trong lãnh đạo của các doanh nhân, thay vì ngồi chờ thời thì các làng nghề phải có những bước chuyển mình phù hợp với tình hình thực tế, đẩy mạnh chế biến hàng thủ công mỹ nghệ điêu khắc gỗ và các lâm sản ngoài gỗ mà chúng ta có lợi thế trong quá trình tham gia hội nhập quốc tế.