Từ những gốc tre xù xì, vô tri vô giác, tưởng chừng bỏ đi lại được người nghệ nhân này tạo hình, biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khiến ai nhìn thấy cũng phải nán lại mà trầm trồ khen ngợi.
Trước ngôi nhà 26, đường Bạch Đằng, thành phố Hội An, Quảng Nam anh Huỳnh Phương Đỏ ngày ngày chuyên tâm vào những gốc tre xù xì, đầy rễ. Đôi tay anh thoăn thoắt đục đẽo trước sự tò mò của những vị khách trong và ngoài nước. Chỉ trong khoảnh khắc, qua đôi tay khéo léo của anh, những gốc tre dần thành hình hài.
Sinh nghề, anh học làm điêu khắc tượng gỗ, điêu khắc mỹ nghệ để bán cho khách du lịch tại Hội An. Năm 1999-2000 tại nơi anh sinh sống xảy ra trận lũ lịch sử, ở trên gác 3-4 ngày chờ nước lũ rút, anh không thể chế tạo, điêu khắc được đồ do không có nguyên liệu. Chân tay buồn bực “ngứa nghề” nhưng không biết làm sao thì tình cờ từ trên lầu nhìn xuống dòng nước chảy, có bụi tre đang trôi từ xa tới, anh nảy sinh ý tưởng và bơi ra vớt bụi tre vào để làm cho đỡ buồn tay chân. Ngắm nghía thì thấy gốc tre có nhiều rễ cũng hay hay, anh lấy đồ nghề đục thử và áp dụng những nguyên lý, tỷ lệ của nghề điêu khắc vào thì tạo ra được hình thù rất độc đáo.
Kết hợp cả ngũ hành âm dương vào việc tạo hình tượng từ gốc tre, anh Huỳnh Phương Đỏ cho biết, không phải gốc tre nào cũng giống nhau, mà qua quan sát và sự mường tượng ta có thể dùng phần rễ ngắn làm râu của người đàn ông và quay ngược lại phần rễ dài làm tóc của người con gái. Sau khi hoàn thành tác phẩm anh mang ra trưng bày và bán thì chinh phục được rất nhiều du khách thập phương. Bán chạy hàng, anh tiếp tục tìm kiếm thu mua gốc tre để phát triển sản phẩm.
Theo anh Đỏ, điêu khắc trên chất liệu tre không dễ, nếu người không có kinh nghiệm sẽ bị tai nạn và không làm nên được một tác phẩm có hồn.
Người xưa có câu: “Nhất đốn tre, nhì ve gái” tức khó nhất là việc đốn tre. Để làm nên một bức tượng tre mất đến 7-8 công đoạn mà việc tìm nguyên liệu, đốn tre thật sự khó. Hồi đầu anh thuê thợ đi đào gốc tre họ không biết đào làm mất hết rễ nên anh phải tự đi đào và thuê máy xúc, máy đào đào nguyên cả một khóm tre lên, rồi mang về rửa sạch hết đất dính trên rễ, sau đó mang đi ngâm dưới bùn 9 tháng, rồi phơi nắng khoảng 9-10 ngày để tre giữ được màu trắng và độ cứng, bền chắc, không bị mốc, mối mọt… Qua công đoạn đó rồi đến công đoạn làm thô, bước tạo hình cuối cùng thường là ông tự làm. Vì nếu một người thợ không có kinh nghiệm, việc cầm đục, đục sai một chi tiết sẽ làm hỏng bức hình ngay lập tức.
Những tác phẩm mà ông tạo nên từ gốc tre thường là ông lấy hình tượng của ông Phúc – Lộc – Thọ, hình tượng Bao Công, hình Phật tổ, Quan âm, Phật Di Lạc, tượng Quan Vân Trường, Đạt Ma Tổ Sư…
Nghệ thuật điêu khắc gốc tre là nghệ thuật bất quy tắc, không giống như điêu khắc gỗ. Bởi cái khó nhất của nghệ thuật điêu khắc này là tìm được cái thế, bắt được cái dáng của gốc tre và phải biết lịch sử, nguồn gốc của hình tượng nhân vật để tạo hình sao cho có hồn nhất.
Từ những gốc tre tưởng là đồ bỏ đi nhưng qua đôi tay khéo léo của anh Huỳnh Phương Đỏ mà giờ đây nhiều du khách quốc tế đã góp phần quảng bá nét độc đáo của cây tre Việt Nam đến mọi nơi trên Trái Đất.