Được tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm cùng các nghệ nhân làm nghề điêu khắc tranh gỗ mới thấy được để tạo ra một tác phẩm người thợ điêu khắc tranh gỗ phải có kiến thức lịch sử nhất định để thể hiện đúng ý nghĩa nội dung bức tranh.
Nghề mộc truyền thống ở nước ta có lịch sử hàng nghìn năm, nhưng điêu khắc tranh gỗ hiện nay chỉ tồn tại ở một số tỉnh như Ý Yên, La Xuyên – Nam Định, Đông Anh – Hà Nội, Đồng Kỵ – Bắc Ninh, Hội An – Quảng Nam,… Tranh điêu khắc gỗ được đánh giá cao bởi kỹ thuật chế tác điêu luyện, bố cục chặt chẽ và nội dung chủ đề nổi bật.
Xem thêm: TRANH CHIM CÔNG, HOA MẪU ĐƠN – VẺ ĐẸP NGHỆ THUẬT ĐIÊU KHẮC GỖ
Người nghệ nhân điêu khắc tranh gỗ phải khéo léo và tài hoa
Theo các nghệ nhân làng nghề, quá trình làm tranh điêu khắc gỗ thường trải qua nhiều bước: Chọn gỗ, nghiên cứu mẫu, tạo dáng, đục vỡ, đục hạ, đục chi tiết, gọt, nạo, đánh giấy ráp… Gỗ để khắc tranh là các loại gỗ gụ, gỗ hương bởi có độ bền cao lại không quá giòn nên dễ chạm khắc. Dụng cụ để các nghệ nhân điêu khắc là các loại đục, thân đục làm bằng thép “chuẩn”, bởi nếu nước thép già thì đục dễ gãy, nếu quá “non” đục lại cùn. Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục như: Đục bằng, đục lòng máng, đục tách…; người làm tranh điêu khắc căn cứ vào chiều ngang của lưỡi đục để điều khiển cổ tay đục chính xác từng chi tiết. Với những mẫu tranh thông thường, ít chi tiết chỉ cần từ 5-10 ngày là hoàn thành, nhưng có mẫu cầu kỳ phải mất 15-20 ngày mới xong. Nhiều mẫu vẽ có hàng nghìn chi tiết, hoa văn, hình khối không chỉ đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao mà quan trọng là người vẽ phải có óc thẩm mỹ, tài hoa kết hợp với kinh nghiệm tích luỹ của người thợ lành nghề.
Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục với hàng chục chiếc lưỡi to, nhỏ, mỏng dày khác nhau
Từ những bản vẽ thiết kế tổng thể tỷ lệ 1:10, người thợ phải vẽ lại trên giấy thành “phôi” mẫu với tỷ lệ 1:1, vẽ lại trên mặt gỗ rồi mới bắt đầu tạo hình với các kỹ thuật cao như: Khoét sâu, chạm nổi, gọt, tỉa chi tiết… Sau khi hoàn thành phần tạo hình thô, sản phẩm cần qua bàn tay của những thợ cả giàu kinh nghiệm “chuốt” lại để làm nổi bật các đường nét, góc cạnh rồi mới đến công đoạn đánh giấy ráp làm nhẵn, đánh véc-ni…
Những bức tranh chạm khắc gỗ có nội dung rất đa dạng, phong phú. Đó là những khuôn mẫu về tứ linh (long, lân, quy, phượng), tứ thời (tùng, cúc, trúc, mai) hoặc hình cỏ cây, hoa, muông thú, con người hay phong cảnh núi rừng qua các điển tích xưa như: “Văn Vương cầu Lã Vọng”, “Ngư ông đắc lợi”, “Vinh quy bái tổ”, “Lục hạc quần tùng”, “Mã đáo thành công”… Mỗi điển tích trên các bức chạm khắc gỗ đều có ý nghĩa về bài học đạo đức mà người xưa để lại. Bởi vậy, ngoài kỹ thuật điêu luyện, mỗi người thợ điêu khắc tranh gỗ phải có kiến thức lịch sử nhất định để thể hiện đúng ý nghĩa nội dung cốt truyện.
Chi tiết, hoa văn, đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác cao
Không chỉ vậy, nghề chạm khắc tranh gỗ đòi hỏi nghệ nhân phải có năng khiếu, có ý tưởng, có bàn tay khéo léo và nắm vững các lề lối, quy tắc theo luật phong thủy, làm sao để mẫu vẽ vừa đúng luật, vừa sáng tạo, phù hợp với các kích thước mà khách hàng yêu cầu. Mỗi bức tranh điêu khắc gỗ đều ẩn sâu triết lý âm dương được đúc kết qua nhiều thế hệ nên chỉ cần có một chi tiết sai sẽ phá vỡ cân bằng toàn bộ tác phẩm.
Tranh gỗ điêu khắc thủ công vẫn được nhiều người yêu thích hơn cả.
Ví dụ: Tranh điêu khắc gỗ bộ “tứ quý” là biểu tượng cho bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông ứng với mai, cúc, trúc, tùng. Người thợ điêu khắc tranh gỗ khi thể hiện tác phẩm phải làm nổi bật nét độc đáo, ý nghĩa của từng loại cây tượng trưng cho các đức tính con người như: Bức Tùng thể hiện khí phách của người quân tử, dẻo dai, trường thọ; Bức Cúc toát lên vẻ cao sang; Bức Trúc tựa sự thanh cao, quân tử; Bức Mai thể hiện trí tuệ, tri thức…
Tranh gỗ điêu khắc bằng tay vẫn được nhiều người chơi tranh lựa
Hiện nay, đa số các hộ dân chế tác bằng phương pháp thủ công truyền thống, nhưng cũng có vài hộ xuất sản xuất tranh hàng loạt bằng máy cho năng suất cao và giá thành sản phẩm hạ. Tuy nhiên, các sản phẩm chế tác hàng loạt bằng máy thường là bức tranh không có hồn cốt, thiếu độ bồng bềnh, chiều sâu và điểm nhấn sống động như những nét chạm khắc bằng tay. Chính vì vậy tranh gỗ điêu khắc bằng tay vẫn được nhiều người chơi tranh lựa chọn (cùng là bức tranh đó làm bằng máy giá chỉ khoảng vài triệu, nhưng làm bằng tay giá trên chục triệu thậm chí là vài chục triệu).
Những nghệ nhân “giữ lửa” và truyền nghề cho thế hệ sau
Nhờ đôi bàn tay khéo léo, tài hoa cộng với óc thẩm mỹ sáng tạo, những nghệ nhân đã khắc họa nên những bức tranh độc đáo, hoàn mĩ. Mỗi tác phẩm điêu khắc tranh gỗ được các nghệ nhân chế tác là một tác phẩm nghệ thuật, góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống.