Hòa mình vào dòng chảy của nhịp sống hiện đại, điêu khắc nghệ thuật có những bước chuyển mình để bắt kịp với xu thế. Những tác phẩm mới ra đời đã mang hơi thở của cuộc sống, gần gũi và thiết thực hơn so với trước đây.
Không thỏ bỏ qua điêu khắc ứng dụng
Từ xa xưa, điêu khắc chỉ là những đồ trang sức, công cụ lao động, những bức tranh khắc họa đời sống sinh hoạt của con người trong các hang động… Dần dần, nhu cầu về nghệ thuật phát triển, chúng ta có các bức tượng với mức độ tinh xảo cao hơn, mang tính thẩm mỹ hơn và từ đó, điêu khắc trở thành một điểm nhấn văn hóa, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của con người.
Điêu khắc ứng dụng bắt đầu nở rộ tại Việt Nam khi điêu khắc trừu tượng “thất thế”. Những triển lãm điêu khắc hướng đến tính ứng dụng cao được tổ chức ngày càng nhiều tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM. Chính điều này đã cho thấy tương lai sẽ ngày càng phát triển xa hơn nữa của nghệ thuật điêu khắc ứng dụng tại Việt Nam. Một khi các tác giả, những nghệ nhân tạo ra các tác phẩm gần gũi hơn với đời sống thường ngày thì khả năng tiếp nhận của người thưởng thức cũng ngày càng được nâng tầm, dần dần bồi đắp thêm tính nhân văn và làm phong phú đời sống tinh thần.
Với một xã hội hiện đại, ngoài điêu khắc tượng đài mang tầm ảnh hưởng lớn và tính chủ đạo đối với không gian tổng thể, một số loại hình điêu khắc ngoài trời khác như tượng trang trí kiến trúc, trang trí đài phun nước, trang trí vườn hoa, công viên… cũng đóng góp rất nhiều giá trị và ý nghĩa trong việc tạo nên diện mạo chung của xã hội.
Có thể thấy trong quá trình phát triển đô thị, vai trò của điêu khắc ngoài trời là vô cùng quan trọng. Ví dụ như điêu khắc tượng đài mang vai trò khá rõ nét, tạo ra sự hài hòa kết nối kiến trúc với không gian xung quanh, từ đó chính không gian lại vô hình trở thành chất keo gắn kết hai thành phần không thể thiếu của không gian đô thị – đó là điêu khắc và kiến trúc, tạo nên một thể thống nhất, phát huy tối đa tính năng của nghệ thuật trang trí ứng dụng, làm không gian môi trường quanh ta trở nên phong phú và hấp dẫn.
Thường ngày, không khó để chúng ta bắt gặp những tác phẩm điêu khắc trong khu đô thị với thần thái sinh động, có hồn, toát lên tính thẩm mỹ và giá trị nhân văn sâu sắc. Bên cạnh việc tạo nên diện mạo đô thị của xã hội hiện đại, điêu khắc ứng dụng còn tạo ra muôn vàn sản phẩm phục vụ không gian sống, phục vụ nhu cầu hàng ngày của con người như tượng, phù điêu trang trí không gian nội thất, điêu khắc ứng dụng kích thước nhỏ với những chiếc chặn giấy, ống bút xinh xắn trang trí bàn làm việc; những chiếc mề đay, kỷ niệm chương, mẫu cup phục vụ sự kiện; hay tay nắm cửa, khung gương bàn trang điểm phục vụ những nhu cầu thiết yếu hàng ngày…
Nghệ thuật thời thượng
So với các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, nhiếp ảnh…, điêu khắc ít có cơ hội đến với công chúng hơn bởi một lý do: tại Việt Nam chưa có một không gian trưng bày nào thực sự là “ngôi nhà” của điêu khắc. Nói cách khác, những không gian thường thấy không phải là những không gian chuyên biệt để trưng bày tác phẩm điêu khắc, do vậy cách bố trí, bố cục về ánh sáng, tương tác với người xem không thực sự trọn vẹn.
Dẫu vậy, dõi theo một số triển lãm gần đây có thể thấy nghệ thuật điêu khắc giờ đây tương đối tự nhiên, chất liệu đa dạng, hình thức thể hiện sinh động, sáng tạo, thậm chí rất thời thượng khi áp dụng những công nghệ mới về kỹ thuật… Cách tiếp cận đề tài ngày càng được trẻ hóa. Thậm chí, khoảng 1 năm trở lại đây, đội ngũ tác giả có cả những bạn trẻ 9X. Đây cũng là yếu tố khiến bộ môn nghệ thuật này ngày càng gần gũi hơn với công chúng.
Xã hội ngày càng phát triển, những giá trị tinh thần ngày càng được chú trọng thì điêu khắc ứng dụng sẽ không bao giờ mất đi chỗ đứng tại Việt Nam. Từ các công trình lớn nhỏ của cộng đồng, đến mỗi tác phẩm trong từng ngôi nhà, nơi làm việc,… điêu khắc ứng dụng mang đến cái hồn và truyền nguồn cảm hứng cho con người. Có thể nói, trưng bày tác phẩm điêu khắc ứng dụng cũng chính là một cách thức để bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc cho các thế hệ sau.
(Nguồn: Sưu tầm)
Xem thêm: Keo dán gỗ chịu nước